Những điều ngộ nhận phía sau bức ảnh sinh viên Harvard học đến 4h30′ sáng
Rõ ràng, con người không thể tiếp thu quá nhiều kiến thức một lúc, trí não của họ cần được nghỉ ngơi và điều này cũng đúng với các sinh viên.
Cách học truyền thống như của sinh viên Việt Nam và nhiều nước châu Á vẫn còn phổ biến và được mọi người cổ vũ. Đó là lý do dẫn đến sự hiểu nhầm tai hại.
Sinh viên Việt Nam được nhiều nước khâm phục vì tính ham học hỏi, chăm chỉ. Thành tích đi thi các giải quốc tế của học sinh Việt Nam cũng khiến nhiều quốc gia phải nể phục. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là tỷ lệ thất nghiệp của các cử nhân và lao động có trình độ của Việt Nam lại thuộc hàng đáng báo động.
Số liệu của Bộ Lao động Xã hội cho thấy tỷ lệ thất nghiệp quý III/2016 của Việt Nam đạt 1.117,7 nghìn người, tăng 29 nghìn người so với quý II. Điều đáng nói là gần 80% trong số này là các lao động có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên.
Rõ ràng, dù sinh viên Việt Nam thực sự giỏi nhưng có lẽ cách học, hay nói đúng hơn là văn hóa học của chúng ta chưa thực sự hiệu quả cũng như trang bị đầy đủ hành trang cho các cử nhân mới ra trường.
Sự ngộ nhận nguy hiểm
Từ rất lâu, văn hóa hiếu học của Việt Nam cũng nhiều nước Châu Á đã được phổ biến, đặc biệt là bị ảnh hưởng của phong cách Nho giáo. Theo đó, học sinh giỏi là phải chăm chỉ đọc, phải mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường, phải học đến cận lồi mắt. Nhận thức này đã được rất nhiều các giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh Châu Á thừa nhận, nhưng liệu cách học này có chính xác?
Thời gian gần đây, các trang mạng xã hội của Trung Quốc và Việt Nam lan truyền bức ảnh về thư viện của Harvard lúc 4 giờ 30 sáng, trong đó cho thấy các học sinh vẫn cố thức đêm để học.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên và giáo viên tại ngôi trường danh giá này đều phủ nhận bức ảnh trên khi cho rằng thư viện duy nhất mở cửa đến 4h30 sáng tại Harvard là thư viện Lamont không đông như thế này. Theo anh William Cheng, một sinh viên Harvard thì hầu hết các học sinh ở lại thư viện muộn là để hoàn thành xong tiểu luận trước khi quá hạn và rõ ràng không phải sinh viên nào cũng chậm làm xong bài tập như vậy.
Chỉ khi đến các kỳ thi bắt đầu, những thư viện tại Harvard mới đông hơn trước nhưng không quá tải đến tận 4h30 sáng như trong ảnh. Trên thực tế, những bức ảnh được chụp bởi các sinh viên trường Harvard cho thấy thư viện tại đây được bố trí khá thoải mái và môi trường học tập hiệu quả.
Đồng quan điểm trên, học sinh Vikrant Srivastava tại trường RWTH Asche tại Châu Âu cũng cho rằng cách học của sinh viên Phương Tây không giống như những gì Trung Quốc và Việt Nam tưởng tượng. Việc tốn quá nhiều thời gian trên giảng đường và thư viện hay vùi mặt vào đọc sách là không hoàn toàn hiệu quả. Ngoài thời gian trên lớp và tự học, các học sinh cũng tham gia nhiều hoạt động khác nhằm bổ trợ cho sự nghiệp, sức khỏe hay mối quan hệ xã hội của mình.
Thông thường, các sinh viên Phương tây của những trường nổi tiếng thường đăng ký không quá nhiều môn cho mỗi học kỳ bởi họ còn cần thời gian cho nhiều hoạt động khác. Ví dụ như giúp đỡ các giáo sư làm dự án nghiên cứu, làm thêm, tham gia các hoạt động của những tổ chức có liên quan đến ngành học…
Những hoạt động ngoài thư viện và trường lớp này sẽ giúp sinh viên phát triển những kỹ năng mềm cũng như mở rộng mối quan hệ xã hội cho họ. Đây là điều được các giáo viên nước ngoài khuyến khích.
Cô Alissa D’Gama, sinh viên chuyên ngành sinh học tại trường Harvard cho biết thời gian biểu của mình không quá khắc nghiệt như nhiều người Châu Á vẫn nghĩ. Thay vào đó, cô vẫn có thời gian cho nghỉ ngơi, xem phim và những hoạt động ngoại khóa khác. Thậm chí các lớp học mà cô tham gia cũng vô cùng thú vị chứ không quá áp lực.
Mặc dù là một chuyên ngành khắc nghiệt khi cần phải học cả lý thuyết lẫn thực hiện nhiều nghiên cứu, thí nghiệm nhưng ngay cả vào những mùa cao điểm gần kỳ thi, cô D’Gama cũng không thức quá 1h sáng.
Với cách học thoải mái như trên, học sinh nước ngoài không chỉ được đảm bảo về sức khỏe cũng như được trang bị đầy đủ các kỹ năng khi ra trường. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc ngồi lì trong thư viện hay cắm mặt vào quyển sách không phải cách học hiệu quả.
Chăm chỉ nhưng hiệu quả
Bạn có chắc rằng học trong thư viện là hiệu quả khi chúng ta có quá nhiều thứ để bị phân tâm? Những trang mạng xã hội, web xem phim trực tuyến, truyện tranh online, mua hàng trực tuyến… tất cả những thứ đó sẽ dễ dàng khiến bạn bị phân tâm. Tốn 1 tiếng ngồi nhà lướt Facebook và tốn 1 giờ trong thư viện xem mạng xã hội không khác nhau bao nhiêu.
Thế giới hiện nay có khoảng hơn 2.000 chương trình tivi, hơn 1 triệu đầu sách được xuất bản, hơn 1 tỷ website và khoảng 300 tỷ bài viết trên mạng xã hội mỗi năm. Như vậy lượng thông tin là vô cùng lớn cho sinh viên và việc chỉ vùi đầu vào thư viện là một cách học không khôn ngoan.
Ngày nay, xu thế làm việc qua mạng xã hội, thu thập thông tin qua tivi, báo chí đã vô cùng phổ biến. Hàng loạt các chương trình học online, tự học đã được phát triển. Thế những, với sinh viên Việt Nam và nhiều nước Châu Á, cách học truyền thống vẫn còn phổ biến và được mọi người cổ vũ.
Thậm chí nếu bạn có thực sự đọc và học trong thư viện, hay bất kỳ nới nào khác, liệu việc đọc quá nhiều có hiệu quả?
Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy việc bạn thực sự đọc 1 cuốn sách sẽ hiệu quả hơn là ôm đồm đọc tới 50 quyển khác nhau.
Nghiên cứu năm 2003 của trường đại học Leicester-Anh cho thấy việc đọc chỉ thực sự hiệu quả nếu bạn đọc thật chậm và suy nghĩ về chúng. Trí não con người không như những bộ máy, nên việc học ngày học đêm, khiến não bộ mệt mỏi hay đọc quá nhiều sách một lúc không thể hiệu quả.
Nói cách khác, sự chăm chỉ hiệu quả nhất là học từ từ, đi từng chút một và không nên tiếp thu quá nhiều gây quá tải. Thêm vào đó, những kiến thức học được cũng cần được thực hành nếu không muốn bị lãng quên.
Trí óc con người là có hạn nên chúng ta sẽ khó làm việc hiệu quả nếu thực hiện nhiều thứ một lúc. Một nghiên cứu từ năm 1997 đã cho thấy hơn 50% số công ty trong bảng xếp hạng Fortune 100 nói rằng họ bị làm phiền bởi những email điện tử 6 lần mỗi giờ. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và dịch vụ, nhân viên văn phòng bình quân bị làm phiền mỗi 3 phút vì các việc khác ngoài nhiệm vụ mà họ đang làm.
Rõ ràng, con người không thể tiếp thu quá nhiều kiến thức một lúc, trí não của họ cần được nghỉ ngơi và điều này cũng đúng với các sinh viên.
Ngày nay, nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa học thật sự và học vẹt. Việc nhớ một kiến thức nào đó cho các kỳ thi mà không hiểu hay không được thực hành chỉ làm lãng phí công sức của các sinh viên Việt Nam.
Hậu quả là các phụ huynh áp con cái của mình đọc nhiều, học nhiều mà không biết chúng có thực sự hữu dụng hay không. Việc học sinh sinh viên tham gia các hoạt động ngoài học tập, không đọc nhiều sách bằng các bạn bị đem ra chê trách. Thậm chí một bức ảnh giả về cảnh học tại thư viện Harvard cũng bị ngộ nhận và lan truyền thái quá cho quan điểm sai lầm này.
Leave a Reply