Ông bố đơn thân chia sẻ cách rèn con trai bướng bỉnh

Tôi muốn sau này khi lớn lên, con là một người đàn ông thực thụ, dám lăn xả trong công việc và nói được, làm được

Nguyên Hy ‘lôi kéo’ con vào việc học tiếng Anh theo bài hát, học toán, khuyến khích con khám phá thế giới và nghiêm khắc phân tích khi con mắc lỗi.

“Từ lúc 3 tuổi rưỡi, Troy đã nhận biết được các chữ số từ 1 đến 100, nói chính xác các bộ phận trên cơ thể, tên các con vật… bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Bây giờ 4 tuổi thì bé rất thích học toán Nhật và cùng bố chơi trò chơi về các phép tính”, anh Nguyễn Đức Nguyên Hy (Nha Trang, Khánh Hòa) hào hứng kể về cậu con trai đáng yêu của mình khi mở đầu câu chuyện bố đơn thân chăm con.


Lúc đầu, mọi người không tin Nguyên Hy sẽ chăm được con vì khi chưa ly hôn, do công việc bận rộn mà chẳng mấy khi anh tự tay làm.

Khi chia tay vợ, Nguyên Hy cũng như không ít người đàn ông khác, nén nỗi nhớ thương của mình lại để vợ được quyền nuôi con vì thời điểm đó, anh nghĩ rằng người phụ nữ sẽ chăm con khéo léo hơn và bé còn nhỏ cũng cần ở bên mẹ. Còn anh cũng bận rộn với lịch chụp hình dày đặc nên đã lao vào công việc để lấp đầy những khoảng trống mà cuộc hôn nhân không trọn vẹn tạo ra. Nhưng mặc dù phải đi sớm về khuya mỗi ngày nhưng anh vẫn lặng lẽ quan sát từng bước phát triển của con vì anh hiểu rằng, độ tuổi 3-4 này, bé có nhiều thay đổi quan trọng, cả trong tính cách lẫn nhận thức, nếu không được uốn nắn kịp thời sẽ dễ sinh hư.

“Những ngày cuối tuần đón bé về với mình, tôi thấy con ngày càng bướng bỉnh hơn. Còn mẹ bé thì lại chiều theo mọi ý muốn và đòi hỏi của con. Làm cha, tôi không yên tâm nếu bé tiếp tục lớn lên như thế nên tôi đã bàn với mẹ bé để được đón bé về nuôi. Tôi đã phải hứa với cô ấy rằng sẽ sắp xếp được ổn thỏa công việc để chăm sóc, dạy dỗ con. Lúc đầu, cô ấy cũng chưa đồng ý ngay nhưng tôi bảo cho tôi chăm con một thời gian như là thử thách để tôi chứng minh rằng tôi làm được. Dần dần, tôi cũng thuyết phục được vợ cũ”, Nguyên Hy chia sẻ về lý do quyết định giành lại quyền nuôi con.

Thời gian đầu một mình chăm con, ba bé Troy chưa được ông bà hai bên, bạn bè tin tưởng nhiều, ai cũng lo anh không thể làm tròn cả hai công việc là kiếm tiền và nuôi con. Nhưng điều đó không làm anh buồn mà giống như một động lực để anh thêm quyết tâm thể hiện thật tốt. Anh bảo: “Tôi là người gốc Huế, cuộc sống khó khăn từ nhỏ và tự thân vận động, đi lên từ hai bàn tay trắng. Tôi cũng đã nếm trải không ít vấp váp nên dù trong hoàn cảnh nào, tôi nghĩ chỉ cần mình sắp xếp hợp lý là ổn thỏa hết. Hơn nữa, tôi tin bản năng làm cha của mình sẽ giúp tôi hiểu con cần gì”.

Anh bắt đầu dạy con bằng việc giúp bé tạo dựng một nề nếp sinh hoạt mới phù hợp hơn với lịch học tập, làm việc của hai ba con. 6h30, anh đánh thức bé nhưng chưa bắt con dậy vệ sinh cá nhân ngay mà bật các bài hát tiếng Anh hoặc bài nhạc con thích để con nghe khoảng nửa tiếng. Sau đó, anh cho bé uống một cốc nước ấm pha mật ong rồi đi đánh răng, rửa mặt, thay quần áo… Những việc này hai ba con làm trong khoảng 30-45 phút. Trong khi chờ đợi xe đến đón con đi học, anh sẽ “tám” chuyện với con một lúc, kể cho con nghe về công việc của mình, về một người bạn… Qua những câu chuyện này, con có thể hiểu hơn về anh hoặc anh dạy con được một điều gì đó. Những ngày không phải đi chụp hình sớm, anh sẽ tự lái xe chở con đến trường.

Buổi chiều và tối là khoảng thời gian Nguyên Hy dành hoàn toàn cho con. Anh tự tay tắm rửa, nấu cơm cho con mỗi ngày. Anh có một thói quen là trước khi đi ngủ sẽ dành khoảng 30 phút để dạy con học bài, hôm thì học thêm từ mới tiếng Anh (mỗi hôm 3 từ), hôm lại học về phép toán… Để con có hứng thú với việc học này, chia sẻ bí quyết của mình là: “Tôi không tạo áp lực cho bé mà hai ba con cứ vừa học vừa chơi. Trong lúc học, bé rất thích hoán đổi vai trò, khi thì ba là người hướng dẫn bé, lúc lại tráo ngược lại, bé sẽ là người đưa ra yêu cầu. Bé hào hứng với việc học như thế này lắm, có hôm ba chưa kịp dạy là bé nhắc luôn: ‘Ba, đến giờ học rồi ba'”.

Buối sáng và trước khi đi ngủ, hai ba con đều dành khoảng 30 phút để học từ mới, ôn bài.

Bên cạnh việc học tập, nhiếp ảnh gia cũng muốn con mở rộng mối quan hệ nên anh thường xuyên đưa bé tham gia các hoạt động ngoại khóa theo nhóm và để bé đi chơi cùng bà nội, các cô. Trong mọi việc, Nguyên Hy đều đặt ra nguyên tắc với con. Nếu bé làm sai, anh sẽ phân tích cho bé và áp dùng hình phạt theo từng mức độ của lỗi. Ở tuổi này, các bé trai thường rất bướng bỉnh, thích làm theo ý mình nhưng anh Hy hạn chế tối đa phạt con bằng roi, từ khi bé về ở cùng, chỉ có duy nhất một lần anh phải đánh đòn bé.

“Có một lần con đi chơi với bà nội và cô nhưng không chịu nghe lời. Bà nội gọi điện nói với tôi và tôi đã chạy ngay đến để chở bé về nhà. Suốt trên đường đi, tôi không nói gì cả, giữ im lặng. Đến lúc cảm thấy bé đã ‘ngấm’ rồi thì mới từ từ nói với con: ‘Con có biết vì sao ba phải đưa con về không?’ – ‘Dạ biết, vì con hư’. Lúc này, tôi mới giải thích cho con rằng: ‘Ba thấy rất buồn khi con làm như vậy. Con hạnh phúc hơn ba mẹ nhiều vì con được mọi người yêu thương, được đi chơi trong khi ba mẹ phải làm việc vất vả, kiếm tiền nuôi con. Con thấy ba đi làm như vậy là sướng hay khổ?’ – ‘Dạ, khổ’ – ‘Vậy sao con không thương ba?’. Cậu chàng lúc này mới lí nhí xin lỗi nhưng tôi vẫn tỏ ra nghiêm khắc: ‘Ba không muốn con nói suông mà ba muốn con rút kinh nghiệm’. Khi về nhà, tôi phạt bé úp mặt vào tường và để bé một mình cho đến khi tự nhận thức rõ ràng về lỗi sai đó, tự giác xin lỗi bà nội và cô. Bé ít tuổi nhưng rất hiểu chuyện nên hầu như tôi không phải phạt nặng bao giờ”.

Nguyên Hy không ngại xin lỗi con trai khi mình làm sai điều gì đó.

Tự nhận mình là người “nghiêm khắc” với con và “dạy ra dạy, chơi ra chơi” nhưng để con “tâm phục khẩu phục” thì anh Nguyên Hy cũng rất công bằng. Nếu anh làm sai, anh sẵn sàng xin lỗi con và cố gắng không lặp lại nữa. “Có lần, khi lau tóc cho bé, tôi làm mạnh tay khiến bé bị đau là phải xin lỗi ngay. Tôi không đồng ý với nhiều người khi ỷ mình là người lớn mà áp đặt con hoàn toàn. Trong các hoạt động hàng ngày, tôi cũng luôn làm gương cho con. Tôi muốn sau này khi lớn lên, con là một người đàn ông thực thụ, dám lăn xả trong công việc và nói được, làm được”.

Hơn một năm sau biến cố, cuộc sống của hai cha con anh Nguyên Hy đã dần ổn định. Ông bố một con cũng đã trau dồi được nhiều kiến thức về chăm sóc, giáo dục con nhưng với anh, nuôi con là cả một cuộc hành trình mà anh sẽ cố gắng đồng hành cùng mỗi bước phát triển của con. “Khi chơi là làm bạn, khi dạy thì làm cha” – anh luôn ghi nhớ nằm lòng điều này để hoàn thành tốt công việc đặc biệt này.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *